Đồng nghiệp cũ của tôi vỡ mộng có nhà phố vì không chịu bán đất ở quê lúc thị trường đang nóng.
Tối thứ sáu tuần rồi, vừa đi làm về nhà với trạng thái mệt mỏi, tôi nhận được tin nhắn của một đứa em đồng nghiệp cũ: “Sáng mai anh rảnh không, cà phê với em một buổi”.
Dù thỉnh thoảng có liên lạc, nhưng với nội dung tin nhắn như thế, tôi dự là có chuyện rắc rối gì đấy. Sáng hôm sau gặp, quả đúng như thế. Đứa em đồng nghiệp cũ của tôi than thở: “Thế là vỡ mộng có nhà phố rồi anh ơi, em đang rao bán gấp căn nhà 5×20 m2 (ở một phường của thành phố thuộc một tỉnh công nghiệp Đông Nam Bộ, tôi xin không nêu cụ thể) để trả nợ”.
Tôi hỏi giá bán bao nhiêu, em ấy trả lời: “Bán bằng mức giá mua 3 năm trước, tiền làm căn nhà cấp bốn ở mấy năm nay coi như bỏ”. “Sao bán gấp thế?”, tôi hỏi và nhận được câu trả lời: “Em vỡ nợ rồi, gồng không nổi nữa”.\
Câu chuyện như sau: Ba năm trước, đứa em đồng nghiệp này của tôi mua đất và xây nhà cấp bốn để ở với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Hai vợ chồng có sẵn 300 triệu, vay người thân 500 triệu và vay ngân hàng 1 tỷ đồng. Cơ sở cho việc vay tiền mua nhà là do được bố mẹ cho một mảnh đất dưới quê. Dự định bán mảnh đất ở quê để đổi căn nhà ở phố là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, người tính cho nhiều vào lại chưa lường hết những biến số: thời gian đầu người thân chưa cần dùng đến tiền nên khoản trả này không gấp. Lúc mới vay, lãi suất hàng tháng trả từ 12-13% nên tổng thu nhập của hai vợ chồng vẫn gồng được. Hy vọng chính là thời điểm đó đất ở quê đang lên vùn vụt. Có lúc, mảnh đất ở quê được nhiều người dọ hỏi mua với giá hơn 3 tỷ đồng. Dù biết đây là mức giá hời, nhưng sau khi gia đình bàn bạc kỹ lưỡng, vẫn cho rằng giá này còn thấp và chờ nó tăng thêm
Nhưng lại không ngờ tới: Một, lãi tiền vay tăng cao, có lúc vượt 16%. Hai, người thân có việc cần nên đòi tiền lại. Và ba là sau cơn sốt, đất dưới quê nguội lạnh nên không còn mức giá 3 tỷ nữa mà “bây giờ có rao bán cũng không ai mua, anh à”. Bốn, thu nhập giảm sút, vợ lại sinh con nên không thể cân đối thu chi trong gia đình. Thời gian qua, hầu như chỉ đủ trả tiền lãi.
Nghe xong câu chuyện, tôi đánh giá họ có tính toán bài bản về việc nâng cấp, đổi “đất ở quê để lấy nhà phố”, nhưng đã lạc lối trong cơn hưng phấn của thị trường mà chưa tính đến những biến số làm thay đổi cuộc chơi.
Cơn sốt đất giai đoạn 2020 cho đến đầu năm rồi là “thời cơ vàng” của những gia đình ở nông thôn, vốn có diện tích đất lớn nhưng bình thường giá trị không cao. Trong cơn sốt đất ấy, tôi biết có vài gia đình đã mạnh dạn bán đất đi một phần để đổi lấy nhà, căn hộ ở phố cho con cái. Nhưng cũng có nhiều người đắn đo, hy vọng giá sẽ tăng thêm như trường hợp vừa kể, để rồi bị cuốn vào những rối ren của dòng tiền.
Một đặc điểm có phần nghịch lý, không chỉ riêng sốt đất (thị trường nào cũng thế) ở Việt Nam đó là: Khi giá đất tăng vùn vụt thì rất nhiều người ùn ùn kéo nhau đi mua vì sợ mất phần. Nhưng khi thị trường đóng băng, giá giảm thì họ lại nghi ngờ, băn khoăn.
Hy vọng, câu chuyện trên là một bài học để chúng ta tính toán và nắm bắt thật tốt cơ hội trong chu kỳ tiếp theo của thị trường.