Câu chuyện của bà Vũ Thị Thủy (58 tuổi) đang sinh sống tại quê hương Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chỉ vì chuyện chia đất cát cho 3 người con để bây giờ bà rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Tôi lấy chồng năm 20 tuổi, tính đến nay cũng được gần 40 chục
Câu chuyện của bà Vũ Thị Thủy (58 tuổi) đang sinh sống tại quê hương Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chỉ vì chuyện chia đất cát cho 3 người con để bây giờ bà rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Tôi lấy chồng năm 20 tuổi, tính đến nay cũng được gần 40 chục năm. Chúng tôi có với nhau 3 mặt con: thằng cả, thằng hai và cô con gái út. Hiện tại cả ba đứa đều đã yên bề gia thất. Trước đây tôi làm bên xã nhưng nghỉ hưu sớm ở tuổi 42, còn ông nhà tôi thì làm tại công ty than cũng về hưu từ chục năm trước do lao động nặng nên giảm sút sức khỏe.
Từ ngày về hưu, tôi với chồng bàn với nhau mở cửa hàng bán đồ gia dụng. Được cái nhà tôi ở ngay mặt đường, lại cách chợ hơn 200 mét nên cũng tiện bề làm ăn. Sau vài năm buôn bán, hai vợ chồng cũng gọi là có chút của ăn của để.
Trong ba đứa con thì có thằng thứ hai là làm ăn xa nhà, 5 năm trước nó lấy vợ và mua trả góp một căn chung cư trên Hà Nội. Lúc đó hai vợ chồng tôi cũng cho nó gần 200 triệu. Còn thằng cả hiện tại đang sống cùng gia đình vợ, do vợ nó là con một mà ông bà thông gia cũng hay ốm đau. Hai vợ chồng nó làm công nhân gần nhà, nói chung cũng vất vả đủ đường. Đứa con gái út thì lấy chồng cách đây 3 năm, của hồi môn vợ chồng tôi cho con là 2 cây vàng. Từ ngày nó lấy chồng rồi đẻ liền hai đứa, nên đến nay vẫn ở nhà chăm con.
Khoảng thời gian đứa út sinh con đầu lòng, cũng là lúc nhà tôi bị đột quỵ. Dù đã tận tình chạy chữa, nhưng không qua khỏi. Hiện tại chỉ còn tôi sống với các con và các cháu.
Tôi không tự nhận là mình giàu có, nhưng so với bà con trong xóm cũng gọi là an nhàn. Bây giờ tôi một thân một mình với tiền lương hưu gần 4 triệu mỗi tháng, và nhận tiền lãi hàng tháng từ sổ tiết kiệm 300 triệu nên cũng gọi là dư dả. Tôi sống không phụ thuộc vào con cái, tháng nào cũng dư tiền để cháu nội cháu ngoại mấy đồng quà bánh.
Chuyện vợ chồng tôi có tiền tiết kiệm các con không biết. Thật ra từ hồi ông nhà mất, tôi cũng mấy lần tính rút ra để hỗ trợ các con, nhưng lại nhớ đến lời ông nhà căn dặn: “Số tiền này chỉ hai vợ chồng mình biết, sau này có ốm đau bệnh tật thì lấy ra mà dùng chẳng phải phục thuộc vào ai”. Vậy nên sau khi suy đi tính lại, tôi đã gọi các con vào bàn bạc như này:
“Bây giờ có đông đủ dâu và rể ở đây, mẹ tính như này các con xem có hợp lý không. Mảnh vườn sau nhà mẹ sẽ chia làm đôi cho thằng cả và thằng hai. Còn cái út thì mẹ tính đổi nhà cho vợ chồng mày, hai đứa ra nhà mặt đường bảo ban nhau làm ăn. Nếu thích thì tiếp quản luôn cửa hàng gia dụng này của bố mẹ, còn không muốn buôn bán gì thì tự hai vợ chồng tự tính với nhau”.
Khi nghe tôi nói xong chuyện chia đất chia cát, ba anh em chúng nó cũng không ý kiến gì. Thế là sau thời gian dài làm thủ tục sang tên, tôi cũng đã hoàn thành được di nguyện của mình. Chuyển về nhà con gái út trước đây, tôi sửa sang lại công trình phụ. Nói chung không rộng rãi như căn nhà trước đây tôi ở, nhưng một thân một mình như vậy là tạm ổn rồi. Mà căn nhà này cũng chỉ cách nhà tôi gần 200 mét, nên thi thoảng vẫn chạy đi chạy lại đỡ đần con cháu được. Thu xếp xong xuôi việc này tôi nhẹ cả người.
Khoảng 3 tháng sau đó thì thằng hai bán miếng đất tôi cho, lúc này giá đất đang lên mảnh đất đó rộng có 40m2 mà cũng được tỷ 2. Thấy thằng hai bán giá cao, thằng Cả cũng bán nốt mảnh đất còn lại. Lúc bấy giờ, đứa con gái út tôi cưng chiều nhất lại khó chịu ra mặt:
“Mẹ chia phần chẳng đều, hai anh thì có tiền tỷ còn vợ chồng con chả có đồng nào. Chỉ được mỗi cái nhà mặt đường, bán cũng chả được mà ở cũng chả xong. Hay tại vì con là con gái, nên không được phần như các anh”.
Tôi không thể tin những lời nói như vậy lại chính từ miệng đứa con mình rứt ruột đẻ ra, lại là đứa mình cưng chiều nhất. Tôi luôn nghĩ cho nó căn nhà hai tầng vẫn còn khang trang, nhà lại mặt đường tiện bề buôn bán, đã là ưu ái lớn nhất cho con rồi. Nếu tính chênh lệch giá nhà như hiện tại, vợ chồng nó bán đi cũng dôi ra được đôi tỷ
Sau đó một tuần khi sang thăm cháu ngoại, tôi tình cờ nghe được con dâu cả đang bép xép với con gái út:
“Sướng nhất là vợ chồng chú hai, ở xa nên chẳng phải động chân động tay việc gì. Như chị em mình ở gần nên cái gì cũng đến tay. Đáng lẽ ra phải chia cho nhà chị phần hơn mới đúng, vì sau này mẹ ốm đau thì chỉ có vợ chồng chị và vợ chồng em chăm. Chị bảo anh em đòi phần hơn mà ông ấy không chịu, lại còn quay sang trách chị tham lam với cả anh em trong nhà”.
Chúng nó có nói gì đi nữa thì việc chia đất cát cũng xong cả rồi. Sao lúc tôi chia thì không đứa nào ý kiến gì bây giờ lại quay sang trách nọ trách kia. Hiện tại tôi cũng chỉ biết tự an ủi mình rằng:
“dù gì các con cũng chưa đến mức đánh chửi nhau, chỉ là tị nạnh hơn thua chút thôi”. Chứ như mấy vụ tôi đọc trên báo gần đây, điển hình nhất là vụ ba cô con gái tẩm xăng đốt mẹ già vì tranh chấp đất đai mà thấy lạnh cả gáy.
Biết là vậy, nhưng nhiều đêm lủi thủi một mình, nghĩ đến câu nói của con gái út và con dâu cả mà đôi lúc tôi cũng thấy chạnh lòng. Chẳng biết sau này tôi ốm đau, chúng nó sẽ đối xử với tôi như nào đây?