Trước khi quyết định, rất nhiều người thân và bạn bè đã ngăn cản nhưng anh Minh vẫn bán đất mặt đường trị giá 2 tỷ đồng ở quê để mua chung cư 2,2 tỷ đồng trên phố. Anh chẳng ngờ mình lại mắc sai lầm lớn nhất trong đời.
28 tuổi, anh Nguyễn Văn Minh có một công việc ổn định tại Hà Nội. Lương tháng của anh sau nhiều năm đi làm hiện ở mức 20 triệu đồng/tháng. Cộng thêm thu nhập của vợ 15 triệu/tháng, mỗi tháng, dù đang thuê nhà nhưng vợ chồng anh tiết kiệm được 20 triệu đồng. Chưa kể, trước đó hai vợ chồng đã tiết kiệm được 300 triệu đồng gửi ngân hàng.
Sau khi lập gia đình và lên thành phố thuê trọ, anh Minh thường xuyên nghĩ tới việc bán mảnh đất mặt đường liên thôn 200m2 dưới quê mà bố mẹ cho anh (là con út) để mua một căn chung cư trên thành phố cho vợ chồng tiện đi làm.
Khi đưa ra ý định này, bố mẹ và các anh chị anh đều gàn. Họ cho rằng, anh không nên bán mảnh đất ở quê bởi đất ở quê bắt đầu có giá trị. Hơn nữa, mảnh đất của anh Minh ngay mặt đường liên thôn rộng 5m, tương lai còn phát triển hơn nữa.
“Tôi còn nhớ như in khi ấy bố mẹ, anh chị tôi khuyên bảo rất nhiều. Họ cho rằng không nên bán mảnh đất này. Anh trai tôi còn nói đất ở quê đã bắt đầu có giá trị. Xu hướng hiện nay của người dân thành thị là đổ về nông thôn, ngoại ô để mua đất cất nhà vì thành phố ngày một ô nhiễm. Anh cứ khuyên tôi giữ lại mảnh này, cứ tiếp tục cố gắng làm ở Sài Gòn. Thậm chí, anh còn đưa ra giải pháp là lấy sổ đỏ ở quê để thế chấp vay tiền mua chung cư ở thành phố hoặc vay ngân hàng trả góp mua chung cư”, anh Minh kể.
Nhưng, bỏ mặc những lời khuyên ngăn của mọi người, anh Minh vẫn quyết định bán mảnh đất mặt đường liên thôn 200m2 với giá 2 tỷ đồng. Sau đó, anh tìm mua một căn hộ chung cư 70m2 có 2 phòng ngủ gần chỗ vợ chồng làm việc với giá 2,2 tỷ đồng.
“Từ ngày mua nhà chung cư, vợ chồng tôi đi làm gần hẳn. Gia đình được gắn kết hơn vì sinh hoạt trong cùng một sàn. Đặc biệt, con nhỏ được vui chơi tại các khu vực tiện ích. Thích nhất là không gian chung cư rất yên tĩnh, không phải hứng chịu những tiếng ồn hoặc bị quấy rầy bởi hàng xóm”, anh Minh nhận xét.
Thế nhưng sau 5 năm mua nhà chung cư ở, anh Minh không khỏi tiếc hùi hụi khi giá đất ở quê anh tăng chóng mặt. Trong khi đó, giá chung cư anh mua mấy năm trước vẫn đứng im, thậm chí có xu hướng giảm đi.
“Cũng là mảnh đất 200m2 mà mẹ tôi cho anh trưởng ở ngay kế bên mảnh của tôi bán giờ giá đã tăng từ 2 tỷ đồng thành 3,8 tỷ đồng. Rất nhiều người gọi cho anh tôi hỏi mua để làm cửa hàng, nhà xưởng nhưng anh tôi không bán. Anh bảo đợi thêm vài năm nữa thì anh bán đi một nửa hoặc cứ để đó để sau này con cái bán hàng kinh doanh, ổn định cuộc sống cho đỡ vất vả.
Còn chung cư tôi mua ngày một cũ nên không tăng giá. Nhiều căn bên cạnh do xuống cấp nhiều còn bán đi bị lỗ 200-300 triệu đồng”, anh Minh ngán ngẩm nói.
Nhắc về sai lầm này của mình, anh Minh thừa nhận, ban đầu anh nghĩ bán ở quê để mua nhà thành phố sẽ kiếm lời vì ở thành phố mức giá bất động sản tăng nhanh và mạnh hơn ở quê. Song, anh chẳng tính được trước, bán đất ở quê và mua một căn nhà chung cư thành phố lại bị mất giá như thế dù anh cũng đang sở hữu một bất động sản.
“Nhiều lúc nghĩ mà buồn quá. Dù vợ chồng tôi cũng sở hữu một căn nhà, nhưng nhà chung cư này dù có tăng cũng không nhiều. Bởi đó chỉ là một căn nhà chung cư và vợ chồng cũng đang ở đó rồi, không thể quy ra tiền được.
Giá như với số tiền bán được đất ở quê ngày đó, tôi vay thêm số tiền tương tự như vậy nữa để mua được cùng lúc hai căn nhà mặt đất. Như vậy, tôi ở 1 căn, còn 1 căn cho thuê hoặc kiếm lời sẽ tốt hơn.
Hoặc tôi giữ mảnh đất 200m2 ở quê không bán song cố gắng làm lụng, vay tiền và trả lãi ngân hàng hàng tháng để mua một căn hộ chung cư nhỏ ở tạm. Như vậy, khoảng 5-10 năm sau, chúng tôi có thể trả hết nợ ngân hàng, vẫn có nhà chung cư ở mà vẫn còn mảnh đất dưới quê cho giá trị lớn”, anh Minh tiếc nuối.