“Tai nạn nào xảy ra họ cũng mặc định do phụ nữ cầm lái. Nữ giới mà làm tài xế thì bị gạ gẫm, lừa đi vào đường vắng để cợt nhả là chuyện thường xuyên xảy ra”, nữ tài xế M.V nói.
Thiệt thòi gấp đôi nam giới
Trời tối dần, chị M.V. (ngụ tại TPHCM), nữ tài xế ô tô, lái xe vào con đường vắng theo yêu cầu của nam hành khách say xỉn. Thấy xung quanh không có ai, người đàn ông lập tức buông lời gạ gẫm khiến chị V. “á khẩu”. Nữ tài xế lúc này chỉ biết tìm cách từ chối khéo để nam hành khách buông tha, dù bản thân đang rất sợ hãi.
Nhiều nữ tài xế cho hay việc bản thân bị gạ gẫm, dụ dỗ là điều thường xuyên xảy ra (Ảnh minh họa: Mỹ Hạnh)
Khi nam hành khách áp sát, chị V. chỉ biết lấy hết sức đạp ga thật sâu, chạy thật nhanh đến nơi đông người. Ngay khi thấy xung quanh có nhiều người, nữ tài xế liền nhảy khỏi xe, hô lớn để cầu cứu, rồi đuổi người đàn ông xuống.
“Là nữ nên việc tự bảo vệ mình là điều rất khó khăn. Những lúc như vậy, tôi cứ ngỡ mình đã phải bỏ nghề”, chị V., bộc bạch.
Có 10 năm kinh nghiệm làm tài xế, chị M.V. chia sẻ rằng mỗi khi đi cùng đoàn toàn là khách nam, chị bỗng dưng… đổ mồ hôi vì lo lắng. Biết rõ hiểm nguy này, chồng chị đã một mực phản đối ngay từ khi chị có ý định đăng ký thi bằng lái xe ô tô, rồi trở thành tài xế.
“Tôi cũng chỉ vì muốn kiếm thêm chút tiền để nuôi con. Biết làm nghề này, người trong gia đình ai cũng lo lắng và thường xuyên căn dặn phải thật cẩn thận”, chị V. nói.
Để tự bảo vệ mình, nhiều nữ tài xế luôn phải cảnh giác, hạn chế đi vào đường vắng, không nhận những chuyến xe phải ngủ lại qua đêm (Ảnh minh họa: Mỹ Hạnh)
Không chỉ dễ rơi vào tình huống nguy hiểm, nữ tài xế cho hay nữ giới làm nghề này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Theo đó, tài xế nữ thường từ chối những chuyến đi dài ngày, đường xa khi phải ngủ lại qua đêm, nên thu nhập cũng có phần chênh lệch so với tài xế nam.
Việc đi vệ sinh cũng gặp nhiều bất tiện. Đôi lúc, chị V. phải xin khách ghé quán cà phê dọc đường để chị được đi vệ sinh nhờ. Tuy nhiên, nếu khách không đồng ý cùng xuống xe thì việc đi nhờ nhà vệ sinh sẽ rất ngại ngùng. Vậy nên, cảnh nhịn đi vệ sinh suốt đoạn đường rất xa là điều không hiếm xảy ra đối với tài xế nữ.
“Lái xe lâu, mức độ tập trung cao nên chúng tôi dễ bị áp lực. Khi gặp hành khách khó tính, nhục mạ, những nữ tài xế cũng chỉ biết im lặng vì nếu gây gổ sẽ không đủ sức chống trả. Nếu không may va quẹt trên đường, tài xế nữ cũng chỉ biết ngồi trong xe gọi người đến giúp chứ không đủ mạnh mẽ để xuống đôi co”, chị V. chia sẻ.
Đôi vai “nặng” trách nhiệm
Chị Nguyễn Tuyết (33 tuổi, ngụ TPHCM) cũng là một tài xế xe ô tô với 6 năm kinh nghiệm. Chị Tuyết đồng tình rằng vấn đề đi vệ sinh vẫn là thứ gian nan nhất đối với các nữ tài xế.
Không những vậy, do không có kinh nghiệm đi đường, chị thường xuyên đi lạc vào các con đường tối om, không một bóng người. Đối với những tài xế có tâm lý yếu sẽ dễ bỏ cuộc và kẹt ở đó “chịu trận”.
Chị Tuyết chia sẻ, chị đã có kinh nghiệm làm tài xế hơn 6 năm (Ảnh: NVCC)
“Kỷ niệm khó quên nhất của tôi chính là chuyến đi từ TPHCM đến Bến Tre và ngược lại. Lúc đó trời đã tối rồi, tôi chọn đi đường tắt nhưng không may là đường đang sửa chữa, con đường nhỏ chỉ vừa chiếc xe. Hai bên là con rạch lớn, tôi không tài nào quay đầu xe được, không biết cầu cứu ai và ngồi khóc hơn 10 phút”, tài xế Tuyết xúc động, kể lại.
Sau cùng, chị Tuyết lấy hết can đảm, loay hoay thì đã quay được đầu xe trong 15 phút. Thoát được tình huống oái oăm đó, chị Tuyết ám ảnh nhiều ngày và mãi 1 tháng sau mới dám cầm vô lăng, trở lại với nghề. “Cứ ngỡ đã bỏ nghề vì quá nguy hiểm!”, Tuyết nói.
Chị M.V. trải lòng rằng, các nữ tài xế không chỉ mang gánh nặng về thu nhập mà còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình.
“Tôi luôn phải sắp xếp thời gian sao cho vừa lái xe đủ 5 tiếng/ngày vừa quán xuyến công việc gia đình. Vì vậy, nữ giới làm tài xế lâu năm không chỉ mắc các bệnh về dạ dày, xương khớp mà vẻ bề ngoài cũng nhanh xuống sắc”, nữ tài xế chia sẻ.
Không những vậy, là nữ giới nên cô thường xuyên bị hành khách khinh thường và không tin tưởng. Nhiều người cũng vì cô là nữ nên quyết định hủy chuyến hoặc trở nên khắt khe, căng thẳng khi di chuyển.
Ngoài việc làm “trụ cột”, các nữ tài xế còn phải biết quán xuyến, chăm lo cho gia đình (Ảnh minh họa: P.V.)
“Vẫn còn không ít định kiến cho rằng hễ tai nạn xảy ra thì đều do nữ cầm lái. Khi nghe câu “bán xăng cho phụ nữ là tội ác”, bản thân tôi rất buồn và tổn thương. Bởi tôi luôn luôn tập trung và hoàn thành an toàn những chuyến xe mà mình phụ trách”, chị V. nói.
Theo chị V., riêng tại khu vực TPHCM, các nữ tài xế thường kết nối và chung hội nhóm với nhau. Ở các hội nhóm ấy, họ thường xuyên gặp mặt, trao đổi những kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, thoát khỏi tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình.
“Những tài xế nữ kinh nghiệm dày dặn sẵn sàng hướng dẫn cách lái cho tài xế mới vào nghề, thông qua các chuyến đi chơi, thực tế mà nhóm tự tổ chức”, chị V. nói.
Bên cạnh đó, chị V. và các tài xế nữ trong nhóm còn chia sẻ định vị cho nhau để có thể hỗ trợ khi gặp nguy hiểm, lạc đường hoặc phương tiện bị hư hỏng.
“Chúng tôi còn một trăn trở nữa là làm sao bỏ được định kiến phụ nữ lái xe là gây tai nạn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn khiến những người phụ nữ như chúng tôi cảm thấy buồn lòng. Đối với chúng tôi, an toàn của hành khách và bản thân luôn là trên hết, vì vậy mỗi cuốc xe chúng tôi đều dồn hết tâm sức vào đó!”, nữ tài xế xúc động, nói.