Nhìn di ảnh con trai mới 17 tuổi trên bàn thờ, chị Pil lại dằn vặt, ân hận vì đã giao xe dù con chưa đủ tuổi lái xe, gây tai nạn 4 người chết. Bản thân chị cũng đối mặt với án tù.
Người phụ nữ 2 lần dang dở
Đã hơn 4 tháng kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 4 người tử vong, chị Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai) không khỏi giằng xé lương tâm mỗi khi nhìn lên bàn thờ con trai. Không chỉ ân hận, người mẹ lo lắng khi sắp phải đối mặt với bản án tù, trong khi còn 2 con thơ đang tuổi ăn học.
Căn nhà của chị Rơ Mah Pih xập xệ nằm “cô đơn” một góc làng trong con hẻm nhỏ ở xã Ia Lâu. Giữa tiết trời tháng 3 nắng như đổ lửa, chị Pil đang đi gánh lúa thuê cho hàng xóm. Gạt giọt mồ hôi trên má, chị Pil mời chúng tôi về nhà.
Chị Pil chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất con, lại suy sụp vì sắp phải đối mặt với án tù (Ảnh: Phạm Hoàng).
Nhìn lên bàn thờ con trai, chị Pil gạt nước mắt tâm sự: “Vì cuộc sống khó khăn, tôi thường phải đi làm xa nhà nên đã mua xe máy cho con tự đi học, phụ giúp công việc nhà. Xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, tôi rất ân hận, tự trách mình”.
Rơ Mah T. (17 tuổi) là con trai của chị và anh Siu L. Do hoàn cảnh khó khăn nên ngoài công việc làm thuê, anh Siu L. tranh thủ mỗi chiều ra sông đánh bắt cá, trang trải cuộc sống. Trong một lần không may, anh L. bị điện giật tử vong, để lại người vợ trẻ cùng con mới tròn 1 tuổi.
Chồng mất, mọi gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè lên vai chị Pil. Nhiều năm sau đó, chị Pil đi bước nữa, dọn về sống chung với anh Rơ Lan Gcunh (SN 1989) và có thêm 2 con gái sinh các năm 2011, 2015.
Chị lo lắng sẽ phải chịu án tù, bỏ lại 2 con đang tuổi ăn học (Ảnh: Phạm Hoàng).
“Lúc đầu anh ấy cũng chịu khó làm ăn, phụ giúp công việc nhà với tôi. Nhưng vì cuộc sống khó khăn nên Gcunh trở nên cọc cằn, hay đánh tôi. Sau này, anh ấy cũng bỏ đi biệt tăm, mất liên lạc mấy năm nay, để lại 3 con một mình tôi gồng gánh”, chị Pil gạt nước mắt.
Cuộc sống khó khăn nhưng chị Pil luôn động viên con cố gắng học tập. Chị Pil thường dậy sớm nấu cơm cho các con rồi lên nương rẫy làm thuê cho người dân trong làng. Phun thuốc, vác lúa, nhổ mì… chị đều nhận để có tiền nuôi các con.
Năm 2021, chị Pil mua xe máy dung tích 110cm3 làm phương tiện đi lại hàng ngày cho con trai cả. Mỗi khi mẹ đi làm, T. (lúc đó 15 tuổi) đều cầm lái, lâu dần thành quen.
Căn nhà chị Rơ Mah Pil được dựng bằng những tấm ván cũ (Ảnh: Phạm Hoàng).
“Khi vừa học hết lớp 7, T. thấy mẹ vất vả nên đã nghỉ học về phụ giúp mẹ. Khoảng thời gian sau đó tôi bị gai cột sống nên nó cũng giành mọi việc nặng nhọc làm hết. Đầu năm 2021, tôi mua lại chiếc xe của ông ngoại, giao cho T. để nó đi lại hằng ngày”, chị Pil cho biết.
Nỗi lo cho tương lai 2 con nhỏ
Ngày còn sống, T. giúp mẹ việc nhà và đưa 2 em nhỏ đến trường. Nhưng khi được giao xe, T. thường cùng bạn bè tập trung đi chơi trên chiếc xe máy của mẹ mua. Mỗi sáng đi làm, chị Pil đều căn dặn con đi lại cẩn thận.
Mỗi lần thắp hương, chị Pil đều khóc và ân hận vì đã giao xe máy cho con (Ảnh: Phạm Hoàng).
Bi kịch ập đến gia đình chị vào chiều 25/10/2023. Sau cuộc nhậu, T. điều khiển xe máy chở hai người bạn 13 tuổi và 18 tuổi, không may tông vào xe máy của thanh niên 22 tuổi chạy hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến T. và cả 3 người còn lại đều tử vong. Kết luận giám định cho thấy trong máu T. có nồng độ cồn 170mg/100ml.
Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, chị Pil khóc không thành tiếng. Nhiều tháng nay, chị vẫn dằn vặt bản thân vì buổi chiều định mệnh đó đã không khuyên con trở về nhà nên mới xảy ra cơ sự như vậy.
Từ ngày T. mất, mọi việc nặng nhẹ đều đến tay chị Pil, dù mắc bệnh gai cột sống, không thể làm việc nặng song vì 2 con gái nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, chị đành gắng gượng.
Nỗi đau mất con chưa nguôi, chị Pil lại nhận thông tin mình bị truy tố về tội Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; sắp phải hầu tòa, đối mặt với hình phạt tù.
Đoạn đường xảy ra tai nạn khiến 4 thanh niên tử vong (Ảnh: Phạm Hoàng).
“Từ khi sinh ra, tôi chỉ biết quanh quẩn ở làng, học hành không đến nơi đến chốn nên hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Tôi rất ân hận về hành vi của mình. Điều tôi trăn trở là 2 con đang tuổi ăn học sẽ sống như thế nào, ai chăm sóc khi tôi sắp đối mặt với mức án tù”, chị Pil trăn trở.
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết: “Xã thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Chư Prông tuyền truyền về an toàn khi tham gia giao thông đường bộ. Trong dịp lễ, Tết, chính quyền đều ra quân tuần tra, xử lý vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đối với xã vùng sâu như Ia Lâu cũng không thể triệt để do nhận thức của bà con chưa cao.
Gia đình Pil thuộc diện khó khăn khi chồng mất, đang nuôi con nhỏ. Sau vụ tai nạn, UBND xã đã vận động các tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Đồng thời, đoàn thể thường xuyên đến động viên, làm công tác tư tưởng để chị yên tâm làm việc, nuôi con”.
Nguồn: Dân trí