Tới gần giao lộ đèn bất ngờ chuyển vàng, nếu phanh gấp thì bị xe phía sau tông, còn nhấn ga vọt qua lại dễ đâm phải xe khác hướng.
Thành phố thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở 4 giao lộ lớn để theo dõi hành vi, hình thành thói quen cho người đi đường và tổ chức giao thông phù hợp.
Mô hình trên đang được Trung tâm Quản lý giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải TP HCM mở rộng thêm ở giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu, TP Thủ Đức, sau thời gian thí điểm tại ba nút giao khác tại khu vực nội đô, gồm: Nguyễn Đình Chiểu – Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu – Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8.
Chốt đèn tín hiệu giao thông ở những nút giao trên thay vì đếm lùi thời gian về số 0 như bình thường sẽ chỉ hiển thị màu xanh, vàng và đỏ theo từng chu kỳ. Tuỳ thời điểm và lượng xe qua nút giao, chu kỳ đèn cũng sẽ linh hoạt điều chỉnh theo thời gian khác nhau.
Đèn tín hiệu giao thông không đếm thời gian ở giao lộ Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Đình Chiểu, trưa 26/6. Ảnh: Gia Minh
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông đô thị, cho biết việc thí điểm chỉ áp dụng ở các nút giao lớn, đã lắp đặt camera giám sát và hệ thống tín hiệu được kết nối về trung tâm, có thể điều khiển từ xa. Một số nơi khác vẫn có đèn không đếm số, nhưng thuộc dạng được thiết lập sẵn, mỗi lần thay đổi phải cài đặt trực tiếp tại các chốt.
Theo ông Tấn, sau thời gian thí điểm, mô hình đèn tín hiệu không đếm thời gian giúp giao thông ở các khu vực này ổn định hơn. Người đi đường cũng nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành đèn tín hiệu, thay vì một số trường hợp thường cố vượt khi đèn còn 2-3 giây. Tình trạng này ngoài nguy cơ tai nạn còn gây lộn xộn, ùn tắc ở nút giao.
Mô hình đèn tín hiệu giao thông không đếm thời gian ở giao lộ Mai Chí Thọ – Tố Hữu, ngày 26/6. Ảnh: Hạ Giang
Cũng theo đơn vị triển khai, việc thí điểm giúp ghi nhận hình ảnh, hành vi người đi đường thông qua hệ thống camera ở các giao lộ. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường xử lý và có phương án tổ chức giao thông phù hợp cho từng khu vực. Hệ thống tín hiệu không đếm lùi cũng áp dụng chu kỳ đèn ngắn để người dân chấp nhận dừng chờ, bởi nếu quá lâu dễ gây ra tình trạng cố vượt, hoặc gây kẹt xe ở các hướng.
Liên quan đến đèn tín hiệu giao thông, trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ từng có nội dung khi có tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu đèn vàng nhấp nháy, lái xe được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho xe lăn, người đi bộ hoặc phương tiện khác. Nội dung này khác với quy định hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Ban soạn thảo đã bỏ quy định cấm vượt đèn vàng dù đang đi trên vạch dừng hoặc qua vạch dừng.
Cá nhân tôi cho rằng, việc bỏ đếm giây trên đèn giao thông sẽ “lợi bất cập hại” vì một số lý do sau:
Thứ nhất, những lợi ích của việc bỏ đếm giây được đưa ra là không cao (nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành đèn tín hiệu, thay vì một số trường hợp thường cố vượt khi đèn còn 2-3 giây). Việc có đếm hay bỏ đếm giây cũng vẫn có thể theo dõi hành vi giao thông, vẫn có thể giảm thời gian chờ đèn đỏ để người dân bớt vượt đèn. Còn trường hợp còn 2-3 giây vẫn cố vượt chỉ là thiểu số. Thế nên, chúng ta cần xây dựng quy định để làm tốt cho cái chung.
Thứ hai, khi lái ôtô đến gần đèn xanh, thấy còn dưới 5 giây là tôi sẽ chủ động giảm tốc độ và dừng lại. Đấy cũng là thói quen của nhiều tài xế khác, giúp đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Nếu bỏ đếm giây thì khi gần tới vạch dừng, tôi chẳng biết còn bao lâu để chủ động dừng xe trước. Nhỡ đến nơi đèn bỗng chuyển vàng thì tôi sẽ phải đạp thắng gấp (dễ va chạm với xe phía sau) hoặc đạp ga để vọt qua ngã tư thật nhanh (lúc đó cũng không còn an toàn nữa).
Thứ ba, người đi xe máy khi có đếm giây thì có thể tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường khi còn trên 25 giây đèn đỏ. Giờ nếu bỏ đếm giây, hàng trăm, hàng nghìn xe máy chờ đèn đỏ cùng nổ máy trong một phút, nhiệt độ, khí thải, tiếng ồn sẽ tăng lên tới mức nào?
Thứ tư, việc bỏ đếm giây sẽ gây lãng phí về những thiết bị đã đầu tư lắp đặt, đang tồn kho, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Tóm lại, đánh giá và cân nhắc những lợi ích – thiệt hại của giải pháp bỏ đếm giây trên đèn giao thông, tôi thấy phần lợi đem lại quá mờ nhạt. Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng điều tiết đèn giao thông từ xa hoặc áp dụng công nghệ AI rất đơn giản mà hiệu quả, ít gây lãng phí cho ngân sách.