Nghiêm trị hành vi sử dụng hình ảnh thanh niên xung phong của Karaoke Paris Club Linh Đàm

Việc sử dụng trang phục thanh niên xung phong để câu view, câu like của Karaoke Paris Club Linh Đàm là rất phản cảm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chiều 19/3, trên mạng xã hội Facebook và TikTok lan truyền video một nhóm người trong trang phục thanh niên xung phong vào quán karaoke nhảy nhót hết sức phản cảm.

Theo nội dung video, nhóm này khoảng 10 người, bước vào quán karaoke, rồi đi ngang qua và bắt tay các nữ nhân viên của quán hát trong trang phục “mát mẻ”. Tiếp đó, video chuyển cảnh bên trong phòng hát, nhóm người này nhảy múa phản cảm trên nền nhạc “Hành khúc ngày và đêm” remix.

Nhóm đối tượng mặc trang phục thanh niên xung phong nhảy múa trong quán karaoke hết sức phản cảm. Ảnh cắt từ video

Cuối video là cảnh nhóm người mặc đồ thanh niên xung phong chào tiễn biệt một nhóm phụ nữ, cảnh quay trước cửa quán karaoke Paris Club Linh Đàm cơ sở 2, chung cư HUD2 Twin Towers, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Dưới video là dòng trạng thái “2 năm nhanh thôi mà, Paris vẫn đợi các anh”.

Lần theo địa chỉ ID trên video, được biết trang mạng xã hội đăng tải video này là kênh Tiktok có tên “Karaoke Paris Club Linh Đàm”. Dòng trạng thái “2 năm nhanh thôi mà, Paris vẫn đợi các anh” khiến nhiều người xem ngầm hiểu là Karaoke Paris Club Linh Đàm chờ đợi các thanh niên sau 2 năm nhập ngũ.

Sau khi bị nhiều người dùng mạng xã hội phản ứng, kênh TikTok “Karaoke Paris Club Linh Đàm” đã nhanh chóng gỡ bỏ video nói trên. Số điện thoại 0396.7727.xxx trên kênh Tiktok này hiện không liên lạc được.

Ngoài video trên, kênh TikTok “Karaoke Paris Club Linh Đàm” còn đăng tải hàng chục video với các cô gái nhảy nhót, uốn éo trong trang phục “thiếu vải”, hở hang, có phần dung tục, phản cảm khác, không đúng thuần phong mỹ tục để câu view, câu like, kéo khách cho quán.

Hình ảnh nhóm người mặc đồ thanh niên xung phong chào tiễn biệt nhóm phụ nữ trước cửa quán Karaoke Paris Club Linh Đàm. Ảnh cắt từ video

Cùng chiều 19/3, phóng viên Báo Công Thương đã phản ánh sự việc trên tới các cơ quan chức năng TP. Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ đạo cán bộ vào cuộc xác minh, xử lý hành vi vi phạm (nếu có).

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, chưa rõ động cơ, mục đích Karaoke Paris Club Linh Đàm dàn dựng, đăng tải video trên là gì, song nội dung này đã ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thanh niên xung phong, hình ảnh người Bộ đội cụ Hồ. “Nếu video này bị các thế lực thù địch, bất mãn chính trị, phản động lợi dụng để xuyên tạc, chống phá là rất nguy hiểm”, Luật sư Luật sư Diệp Năng Bình đánh giá.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, trang phục thanh niên xung phong gồm: Đồng phục, cấp hiệu, phù hiệu, biển tên và thẻ thanh niên xung phong.

Đồng phục thanh niên xung phong gồm: Quần, áo ngắn tay và dài tay, ba lô, thắt lưng, mũ, giày, tất, ủng, dép và cà vạt, được sử dụng đồng bộ đối với cán bộ, đội viên thanh niên xung phong khi thực hiện nhiệm vụ.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

“Việc cấp phát, sử dụng trang phục phải đúng mục đích, đúng đối tượng và niên hạn quy định; phải mở sổ sách theo dõi chặt chẽ việc quản lý cấp phát đảm bảo chính xác. Cán bộ, đội viên thanh niên xung phong có trách nhiệm bảo quản, sử dụng trang phục được cấp đúng quy định. Trường hợp trang phục trong niên hạn sử dụng mà bị mất, bị hỏng không có lý do chính đáng thì cá nhân phải tự trang bị lại theo đúng mẫu quy định để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm cấm việc cho mượn hoặc sử dụng trang phục đã được cấp vào mục đích khác”, Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.

Luật sư Diệp Năng Bình dẫn quy định tại Điều 4 Nghị định 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ cho biết, thanh niên xung phong có nhiệm vụ như giáo dục, rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội viên, cán bộ quản lý thanh niên xung phong…

“Chính vì vậy việc sử dụng đồng phục của thanh niên xung phong (giả sử là thật) không đúng mục đích hoặc lồng ghép tạo cho người khác lầm tưởng là hình ảnh Bộ đội cụ Hồ là vi phạm pháp luật”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.

Vẫn theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc sử dụng hình ảnh của lực lượng vũ trang, tổ chức, cá nhân khi không được sự đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích, quy định sẽ được xử phạt tại điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

“Mức phạt đối với hành vi này từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu là tổ chức có hành vi vi phạm”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Theo Báo Mới