Dù có căn hộ đẹp ở quận Hai Bà Trưng, tôi đành bỏ không để thuê nhà xập xệ khu Cầu Giấy vì không chịu nổi cảnh mất 3 tiếng/ngày để di chuyển trong cảnh tắc đường.
Xem loạt ảnh, video ghi lại cảnh tắc nghẽn kinh hoàng do mưa lớn ở Hà Nội vào giờ tan tầm ngày 1/8 khiến nhiều người chôn chân 3 tiếng trên đường, tôi mới thấy “hú vía” vì mình thoát được trận hành xác này do vừa thuê nhà gần nơi làm việc. Có điều, tôi cũng trả giá không ít khi mà có nhà to, thiết kế, nội thất phù hợp với nhu cầu, sở thích của mình thì không được ở, phải thuê căn hộ chung cư kiểu cũ xập xệ. Vì vài lý do, nhà của tôi hiện vẫn chưa chốt được khách thuê, cứ chậm một tháng thì thiệt gần 20 triệu đồng, xót ruột vô cùng.
Tôi đã lường trước điều đó nhưng vẫn chấp nhận, vì nếu còn tiếp diễn cảnh mỗi ngày mài mòn hệ thần kinh mấy tiếng đồng hồ giữa biển xe cộ Hà Nội, cái mất còn lớn hơn nhiều. Trong 6 năm, kể từ khi chuyển công tác sang một cơ quan ở quận Cầu Giấy, cách nhà gần 12 km, hành trình đi làm và trở về với tôi quả thật là con đường đau khổ.
Do sáng vừa phải lo cho con vừa phải đảm bảo đi làm đúng giờ, chiều về cơm nước nên tôi không thể tránh được việc lao ra đường trong giờ cao điểm. Đường Hà Nội vào giờ đó thì ai cũng biết khủng khiếp thế nào. Bình thường, tôi mất tiếng rưỡi cho mỗi chiều, còn khi mưa gió hay có sự cố giao thông thì vài ba tiếng chưa chắc đã thoát. Rất nhiều lần, tôi nghĩ hay là chuyển qua đi xe máy cho dễ len lỏi, tiết kiệm thời gian hơn, nhưng bản thân có bệnh đường hô hấp, phổi yếu nên tôi không dám để mình hít khói bụi hàng tiếng đồng hồ được.
Sự mệt mỏi vì phải lái xe quá lâu, vì phải căng mình đối phó với nạn chen lấn giành đường, lạng lách, tạt đầu, với tiếng còi inh ỏi của hàng nghìn tài xế sốt ruột, hay vì đôi khi xảy ra xích mích với tài xế khác… khiến tôi luôn rã rời khi về đến nhà mỗi tối và rất dễ cáu bẳn. Tôi quát con vì những chuyện nhỏ nhặt, nổi khùng với chồng chỉ vì vài thứ không vừa mắt.
Còn công việc nữa. Dù cố gắng thì tôi vẫn có những lần đi làm muộn, trễ hẹn với đối tác, vừa muối mặt khi nhận phê bình vừa bị phạt trừ lương, thưởng. Những lúc đó, không chỉ tôi stress mà chồng con cũng là nạn nhân.
Vì thế mà từ lâu, tôi đã nghĩ đến việc cho thuê nhà mình, dùng tiền đó thuê căn hộ gần công ty. Tuy nhiên, do con đi học gần nhà nên mới đây, khi cháu trúng tuyển vào lớp 10 một trường không xa chỗ tôi làm việc, kế hoạch này mới được thực hiện.
Ở Hà Nội, không chỉ tôi mà rất nhiều gia đình khác cũng phải rời căn nhà yên ấm của mình để đi thuê chỗ khác gần nơi làm việc hoặc nơi con cái học hành, chấp nhận cái nghịch lý nhà to đẹp không ở, phải đi thuê chỗ xập xệ, cũ kỹ, ồn ào vì lý do tương tự. Người Việt Nam rất coi trọng sự an cư. Ngôi nhà lại là kết tinh bao nhiêu mồ hôi và tâm huyết; từ chuyện tấm rèm màu gì, bồn rửa mặt chọn loại nào, cái bàn đặt ở đâu.. đều cân nhắc tỉ mỉ. Chấp nhận rời khỏi nó, chứng tỏ cảnh tắc đường Hà Nội đã trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh khủng khiếp đến chừng nào. Như tôi, nếu không chuyển nhà thì chắc chắn sẽ bị trầm cảm.
Thảm trạng tắc đường Hà Nội thậm chí còn làm thay đổi thói quen của một số người Tây theo chiều hướng xấu. Tôi có người bạn đến từ Anh, hồi mới sang Việt Nam thường hay phê bình người Việt sử dụng xe máy quá nhiều: “Các bạn đi xe máy để đối phó với tắc đường, nhưng ai cũng đi xe máy thì tắc đường càng khủng khiếp, đó là cái vòng luẩn quẩn“. Thế mà gần đây, chàng Tây này cũng đi làm bằng xe máy, thậm chí thú nhận có lần còn leo lên cả vỉa hè trong cảnh giao thông không lối thoát giờ tan tầm. Anh lắc đầu xấu hổ: “Tôi cũng đã tham gia vào cái vòng luẩn quẩn ấy mất rồi“.
Đành rằng, mỗi cá nhân đều chịu một phần trách nhiệm khi hành vi của mình góp phần tạo ra cảnh giao thông hỗn loạn. Nhưng chắc chắn rằng thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, vai trò mang tính quyết định phải thuộc về cơ quan chức năng, phải giải quyết vấn đề ở tầm vĩ mô, một cách đồng bộ và dứt khoát, và quan trọng nhất là luôn từ bây giờ, không lần lữa, chần chừ thêm nữa!