Mạnh Cường (22 tuổi, Hà Nội) đang làm công nhân tại một công ty ở ngoại thành Hà Nội với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Dù sống một mình nhưng với mức lương không cao nên anh chàng phải tính toán chi li nhiều khoản chi phí.
Lương dưới 10 triệu, chàng trai 22 tuổi chưa dám nghĩ tới “tương lai”
Anh cho hay: “Mình trả 1 triệu đồng tiền thuê phòng 15m2, ở ghép cùng một người bạn. Tiền xăng xe là 500 ngàn đồng, mua đồ ăn 2 triệu đồng. Tiền mua đồ dùng cá nhân, quần áo và hẹn gặp bạn bè là 1 triệu đồng. Tiền mừng sinh nhật, đi đám cưới và các khoản phát sinh khác từ 500 ngàn – 1 triệu đồng. Tính như vậy thì số tiền để dư hàng tháng không còn được bao nhiêu”.
Nói về khoản tích góp, Mạnh Cường cho hay món đồ lớn nhất anh từng mua được cho bản thân là chiếc xe máy gần 40 triệu đồng, còn lại khoản tiền tiết kiệm gần như bằng không. Số tiền dư trong tài khoản chỉ đủ để Mạnh Cường tiêu dùng lúc mắc bệnh nhẹ, còn nếu ốm đau hay cần phải vào bệnh viện thì càng khó khăn.
Vào những ngày đặc biệt trong năm như lễ Tết, người có mức lương dưới 10 triệu đồng như Mạnh Cường sẽ có những nỗi lo khác nhau. Chàng trai giãi bày: “Mình thường kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận tăng ca, nếu không với tiền lương hiện tại thì Tết buồn lắm”.
Nói về tương lai, chàng trai trẻ cười ái ngại chia sẻ: “Lương chỉ đủ chi tiêu cá nhân, làm sao dám nói chuyện tương lai ra sao. Đơn giản, để sở hữu nhà riêng thì thu nhập khác xa nhiều lần. Mức lương 8 triệu đồng hiện chỉ đủ để mình sống ổn, chứ sống khỏe, sống tốt cũng chưa thể đạt tới. Có lẽ về lâu dài, tôi sẽ tìm hướng chuyển về gần quê nhà” – Mạnh Cường nói thêm.
Nhân viên kế toán lương 10 triệu, tháng nào cũng đều đặn tiết kiệm một khoản
Kim Anh (25 tuổi, quê Thái Bình), hiện đang làm nhân viên kế toán tại một hệ thống nhà hàng của Hàn Quốc tại Hà Nội. Công việc của cô bận rộn cả ngày nên kế hoạch làm để tăng thu nhập hay đơn giản đi tiêu tiền cũng gần như không có.
Sau hơn 2 năm đi làm, mức lương thời điểm hiện tại của cô là 10 triệu đồng/tháng, so với một số người bạn thân thì thu nhập của Kim Anh được cô nhận xét ở mức trung bình.
Luôn luôn để dành tiền ngay sau khi nhận lương
Nói về các khoản chi tiêu hàng tháng, Kim Anh cho hay: “Mình ở ghép trọ cùng 2 người nữa thì tiền thuê phòng là 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền ăn là 1,5 triệu đồng/người, do mình chủ yếu nấu nướng tại nhà với thực phẩm được chuyển từ quê lên. Tiền xăng xe là 300 ngàn đồng, ăn nhậu và giải trí là 700 ngàn đồng. Tiền đám cưới, hiếu hỷ, cafe với bạn bè trung bình 1 triệu đồng/tháng. Tiền mua quần áo và mỹ phẩm khoảng 1,5 triệu đồng. Còn lại khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng là dành cho quỹ dự phòng và quỹ tiết kiệm”.
Với Kim Anh, mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng mà muốn có tiền dư thì cần cố gắng cắt bớt nhiều nhu cầu cá nhân và quản lý tài chính thật chặt chẽ.
Cụ thể, theo chia sẻ của cô gái 25 tuổi, mọi người nên học cách để dành tiền và đầu tư từ sớm, giúp quản lý tài chính tốt hơn. Mà theo cách nói của Kim Anh, cô luôn cố gắng “tiết kiệm trước khi chi tiêu” để không thể xảy ra tình trạng tiêu quá đà.
“Để giảm bớt thói quen mua sắm lãng phí, hàng tháng, tôi luôn trích từ thu nhập khoản tiết kiệm và đầu tư trước, sau đó mới là tiền dành cho tiêu dùng hàng ngày, được chia thành từng khoản như sau: 30 – 40% dùng để tiết kiệm, 40% đóng tiền nhà, tiền ăn và chi phí sinh hoạt. Số còn lại tôi dành để tiêu dùng cho chi tiêu phát sinh hàng ngày” – Kim Anh nói thêm.
Như vậy, với nguyên tắc chi tiêu trong giới hạn, trung bình mỗi năm Kim Anh có thể tiết kiệm một khoản quỹ dự phòng khoảng 50 triệu đồng.
“Mình nhận thấy biết cách chi tiêu quan trọng chẳng kém kiếm tiền. Tuy nhiên, xác định với mức lương hiện tại, nếu muốn bám trụ lâu dài ở thành phố lớn thì cần tìm cách gia tăng thu nhập, chứ không thể chỉ dựa mãi vào tiết kiệm” – Kim Anh nói thêm.
“Lương chưa bao giờ 10 triệu, tôi vẫn sống tốt và đã mua nhà”
Trong khi đó, Thùy Dương (31 tuổi, Hưng Yên) – một nhân viên văn phòng khác tại Hà Nội lại cho rằng lương cao hay thấp không quan trọng mà quan trọng là cách chi tiêu của bạn ra sao.
“Tôi làm văn phòng nên thu nhập có giới hạn, chỉ khoảng 7 – 8 triệu/tháng. Trong khi đó bạn tôi lương 14 triệu/tháng mà vẫn đang thiếu nợ tôi, một đứa lương chỉ bằng 1/2 của bạn.
Nhờ biết chi tiêu hợp lý, dù thu nhập không quá 10 triệu nhiều người vẫn có thể mua được nhà
Tôi xuất thân từ quê, gia đình cũng không khá giả nên ngay khi học cao đẳng kế toán tôi đã nhận đi làm part-time để có thu nhập trang trải cuộc sống. Khi đi làm, vì làm hành chính nên tôi lại tranh thủ bán hàng online. Doanh thu từ bán hàng online tuy không nhiều nhưng là một phần giúp tôi tăng thu nhập.