Nhiều gia đình sinh sống và làm việc tại Hà Nội dù có trong tay 2 tỉ đồng nhưng vẫn phải gác lại kế hoạch mua căn hộ chung cư tại nội đô vì mức giá tăng cao.
Ghi nhận của PV Lao Động ngày 24.2, nhiều người dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội thời gian qua đang phải lùi kế hoạch mua nhà khi giá bán chung cư cũ tại Hà Nội liên tục tăng nhiệt, vượt mốc 50 triệu đồng/m2 do nguồn cung căn hộ mới khan hiếm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thuê trọ ở ngõ 73 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) chia sẻ, dù có một khoản tiền tiết kiệm khoảng 2 tỉ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại, với số tiền này gia đình không đủ để mua căn hộ chung cư cũ trong nội đô, vẫn phải tiếp tục thuê trọ trong dài hạn.
“Nhiều căn hộ chung cư cũ tại Hà Nội hiện có mức giá bán từ 4-5 tỉ đồng/căn. Với số tiền khoảng 2 tỉ đồng, gia đình tôi có thể sở hữu một căn hộ chung cư ở ngoại thành Hà Nội nhưng lại không thuận tiện cho công việc, chuyện học hành của con cái” – chị Tuyết nói.
Tương tự, anh Lê Văn Minh (môi giới bất động sản tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện anh đang rao bán một số căn hộ chung cư phân khúc trung cấp đã qua sử dụng với giá hơn 4,4 tỉ đồng/căn, diện tích 103m2.
Theo anh Lê Văn Minh, mức giá chung cư tại nội đô Hà Nội những năm qua liên tục tăng khiến nhiều người có nguồn tài chính hạn hẹp phải gác lại kế hoạch sở hữu nhà ở, trong khi các dự án chung cư mới mở bán nhỏ giọt, hạn chế.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, nguồn cung căn hộ trong năm 2024 sẽ tăng trở lại, các dự án mới có xu hướng lan rộng ra ở các khu vực xa hơn, theo các định hướng quy hoạch cơ sở hạ tầng.
Theo Vars, mặt bằng giá bất động sản sẽ hạ khi nhu cầu đang dồn vào vùng lõi nội đô dịch chuyển sang khu vực ven trung tâm – nơi có ưu thế để tạo lập quỹ đất, phát triển các dự án quy mô lớn, giúp dự án có giá bán tốt hơn.
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội – đánh giá, phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng về giá là do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Việc hạn chế về nguồn cung trên thị trường vẫn còn tiếp tục, dẫn đến giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng cao.
Bà Hằng nhận định, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung và giá sơ cấp ở ngưỡng cao, cơ hội đối với người có nhu cầu mua ở thực có thể nằm ở thị trường thứ cấp.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mới đây cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại thị trường cân đối nguồn cung, phát triển mạnh nhà ở xã hội cho khu công nghiệp, nhà ở phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan sẽ rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Các tổ chức tín dụng, sẽ được xây dựng và ban hành sớm, đảm bảo thống nhất, khả thi.
Tổ công tác sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm. Đồng thời, quyết liệt thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo các chỉ tiêu đã đăng ký trong năm 2024.