Trong phiên họp toàn thể vào ngày 27/6, Quốc hội đã chính thức thông qua quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trước đó, theo VBA, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã ảnh hưởng tới sản xuất, chuỗi cung ứng của ngành bia rượu.
Sáng 27/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Với 388 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%), Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật bao gồm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn không phải nội dung mới mà được kế thừa của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Sau đó, các cơ quan sẽ tổng kết, đề xuất quy định hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Bức tranh kinh doanh “ảm đạm” của ngành bia rượu
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%.
Hai doanh nghiệp nổi bật ngành bia là Sabeco và Habeco ghi nhận lợi nhuận “bốc hơi” hàng nghìn tỷ trong 2023. Theo kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), lợi nhuận sau thuế khoảng 4.255 tỷ đồng, giảm 23%. Nếu không tính giai đoạn đỉnh dịch 2021, con số này chạm đáy kể từ năm 2016.
Tương tự, CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng hụt hơi trong cuộc đua tăng trưởng. Doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với năm 2022.
Cập nhật số liệu mới nhất, trong quý I/2024, hầu hết doanh thu của doanh nghiệp ngành bia tăng trưởng. Nhưng dưới nhiều áp lực mà lợi nhuận bị bào mòn dẫn đến tăng trưởng nhẹ, thậm chí có công ty vẫn báo lỗ.
Không chỉ các công ty trong nước “chịu trận”, công ty bia có vốn đầu tư nước ngoài cũng không nằm ngoài hiện thực khốc liệt này. Ngày 24/6, Heineken Việt Nam xác nhận tạm dừng hoạt động nhà máy bia tại Quảng Nam – đơn vị từng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho đơn vị tỉnh.
Trước COVID-19, bình quân mỗi năm Heineken đóng góp ngân sách Quảng Nam từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Vài năm gần đây, con số này liên tục sụt giảm. 3 tháng đầu năm 2024, Heineken đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng.