Giá nhà đất ở quê tăng cao sau nhiều năm khiến ông cụ Trung Quốc phải lao đao tìm “đường lui” ở tuổi xế chiều.
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Mai Quốc Cường, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
15 năm trước, tôi rời bỏ ngôi nhà thân thuộc để chuyển tới thành phố sống với bao hoài bão. Với bước ngoặt này, tôi tràn đầy hy vọng tìm được chỗ đứng cho riêng mình giữa chốn thị thành náo nhiệt. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, sau một vài biến cố trong cuộc đời, tôi bắt đầu nhớ cuộc sống nông thôn yên tĩnh, mong mỏi sau khi nghỉ hưu sẽ trở về quê nhà để tìm kiếm sự an ủi trong tâm hồn. Thế nhưng, khi định về quê dưỡng già, tôi lại nhận ra một sự thật phũ phàng của cuộc sống.
Bán nhà lên phố để thoát nghèo
Nhiều năm về trước, đời sống của người dân ở quê tôi chưa đủ đầy như hiện tại. Cũng bởi vậy mà có rất nhiều người trẻ háo hức rời quê hương và tìm kiếm cơ hội phát triển ở các thành phố lớn. Tôi cũng không ngoại lệ.
Muốn thoát nghèo, tôi liều mình bán căn nhà ở quê và bắt đầu cuộc sống vật lộn với cơm áo gạo tiền trên thành phố. Thật may mắn, với số tiền vốn 500.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ đồng) từ việc bán nhà cùng với sự chăm chỉ, chịu khó của bản thân, sự nghiệp của tôi cũng dần phát triển. Đến năm 40 tuổi, tôi cũng đã có một cơ ngơi riêng dành cho mình.
Ở ngưỡng cửa chưa già nhưng cũng chẳng còn trẻ, tôi lại thử đặt cược cuộc đời mình vào một cơ may. Đó là đầu tư 2/3 gia tài để mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên lần này, may mắn không còn mỉm cười với tôi nữa. 5 năm sau đó, tôi bị tiểu nhân chơi xấu nên việc kinh doanh gặp nhiều vấn đề rồi lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và phá sản. Sau mọi nỗ lực cứu vãn tình hình, tôi chỉ còn trong tay một số tiền nho nhỏ, không đủ lo cho tuổi già.
Cú sốc ở tuổi trung niên khiến đầu óc tôi bỗng trở nên trống trải. Mỗi ngày, tôi cảm thấy mệt mỏi với nhịp sống hối hả, vội vã ở thành phố. Chúng khiến tôi chẳng thể thoát ra khỏi thất bại của mình và chìm đắm trong sự u uất. Và rồi những ký ức về miền quê yên bình tìm đến chữa lành cho tôi. Chúng cũng khiến tôi muốn trở về quê hương một lần nữa để có thể tận hưởng không khí trong lành, cảnh đẹp và cuộc sống bình yên như thuở thơ ấu.
Ở tuổi 55, sau khi vợ tôi qua đời vì bạo bệnh, ước muốn bỏ phố về quê của tôi lại càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và rồi sau một thời gian dài suy nghĩ, tôi lại quyết định bán đi căn nhà ở thành phố, lấy số tiền đó để về quê dưỡng già. Tuy nhiên, vì nóng lòng muốn trở về quê mà tôi đã quên suy tính kỹ càng 1 việc vô cùng quan trọng. Để rồi khi về tới, tôi lại phải đau đầu suy nghĩ, tìm kiếm đường lui cho mình.
Thời thế thay đổi, không mua nổi đất ở quê nhà
Trở về quê với 1 triệu NDT (gần 3,3 tỷ đồng), tôi tự tin nhờ người quen tìm hộ một mảnh đất nhỏ để xây tổ ấm nhỏ cho tuổi già. Muốn trốn phố để tìm sự an yên, tôi lại bị thực tế ở quê làm cho thức tỉnh. Bạn bè cho biết trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều khu công nghiệp đã mọc lên ở quê khiến cho đời sống người dân được nâng cao. Song hành với điều đó là giá nhà đất cũng tăng cao đến chóng mặt.
Theo kế hoạch vạch ra trước đó, tôi muốn chi 500.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ đồng) mua một ngôi nhà cũ hoặc một mảnh đất nhỏ để “an cư”, số tiền còn lại để trang trải cuộc sống và sống nốt phần đời còn lại mà không cần phải dựa dẫm con cháu. Tuy nhiên bạn tôi cho biết, cùng là số tiền 500.000 NDT, tôi có thể “tậu” được nhà to, đất rộng ở thời điểm 15 năm trước, nhưng bây giờ chưa chắc đã mua nổi một mảnh đất nhỏ ở quê. Sự thật phũ phàng này khiến cho mong ước về quê dưỡng già của tôi ngày càng xa tầm với.
Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan này, tôi bắt đầu nghĩ cách giải quyết vấn đề của mình. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định không mua nhà, mua đất nữa mà tìm kiếm một viện dưỡng lão ở quê phù hợp với túi tiền của mình. Đây có lẽ là đường lui vẹn toàn nhất cho hoàn cảnh của tôi lúc đó.
Ở khu vực nông thôn, chi phí khi sống ở viện dưỡng lão không đắt đỏ như thành phố mà vẫn cho tôi một môi trường sống thoải mái, đầy đủ. Đặc biệt nó thỏa mãn niềm khao khát được sống một cuộc sống bình dị ở quê của tôi. Đến nay, tôi đã sống ở viện dưỡng lão được 3 tháng và hoàn toàn hài lòng với cuộc sống bình dị ở đây.
Sau tất cả những gì đã xảy ra, bài học lớn nhất mà tôi thu về chính là việc có những suy nghĩ bốc đồng mà không tính toán cụ thể, để rồi phải nhận lấy nhiều vấn đề nảy sinh. Càng về già, chúng ta lại càng phải cẩn trọng trong cả suy nghĩ và hành động. Bởi có những sai lầm mà rất có thể chúng ta không còn đủ thời gian để khắc phục hay sửa sai được nữa.
Tôi cũng nhận ra một điều quan trọng rằng xã hội là một guồng quay liên tục, nếu chúng ta không chịu thích ứng và nắm bắt thì sẽ chỉ ngày càng thụt lùi. Song hành với điều đó, thay vì thụ động chờ đợi tuổi già ập đến, mỗi người chúng ta nên chuẩn bị cho mình một kế hoạch cụ thể. Có như thế, chúng ta vừa được sống thoải mái, vừa bớt đi được những lo âu.
Theo Toutiao