Bùi Văn Dũng – lái xe của bà Lan khai đã vận chuyển số tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc về nhà riêng, nhưng bà Lan lại khẳng định là không có và 5 luật sư sẽ trình bày các chứng đó.
Ngày 11/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan bắt đầu phiên làm việc với phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
HĐXX xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về lời khai của Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) đã vận chuyển số tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193 -203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM) hoặc về hầm B1, Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur, quận 3, TPHCM) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Số tiền trên, bà Lan sử dụng để trả nợ tiền mua các bất động sản; mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Về lời khai trên của lái xe, bà Lan khẳng định là không có và nói luật sư sẽ trình bày các chứng đó.
“Vào đây tôi mới biết con số 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD này”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, ông Bùi Văn Dũng có chở tiền nhưng không phải theo chỉ đạo của bà và tòa nhà Sherwood là căn hộ cho thuê chứ không chỉ là nhà riêng .
Về cáo buộc, thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu, bà Lan trả lời không quen biết ai trong công ty thẩm định giá.
“Thời điểm tôi chưa bị bắt, bất động sản giá cao lắm, khi tôi bị bắt bất động sản giảm giá. Bất động sản có lúc này lúc khác chứ không phải lúc nào cũng giá như thế. Xin hội đồng xét xử xem lại cho anh em thẩm định giá. Chứ xác định thiệt hại như vậy người ta lấy tiền đâu bồi thường”, bà Lan nói.
Thẩm phán nhắc lại, các bị cáo thẩm định giá khai rất rõ là thẩm định theo yêu cầu của SCB, chứ không phải theo giá thị trường, bà Lan nói: “Cái đó tôi hiểu ạ”.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng lúc 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”
Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính của mình.
Bằng cách thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu hơn 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB. Sau đó, bà Lan tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bản thân, đồng thời mua chuộc, tác động những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ…
Cáo trạng xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi trên đã gây hậu quả, khiến SCB bị thiệt hại số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Lan còn chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để từ đó tham ô, chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng.
Để che giấu thực trạng tài chính yếu kém, các sai phạm có thể bị phát hiện qua thanh tra cũng như để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và được tiếp tục tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã gặp, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước là trưởng đoàn thanh tra hoạt động ngân hàng này. Cùng với đó, bà Lan chỉ đạo cấp dưới tiếp xúc, đặt vấn đề đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên đoàn thanh tra.
Theo Soha